Hòa giải ở cơ sở

NỘI DUNG

    Đến năm 2030, có ít nhất 20% tổ hòa giải ở cơ sở được luật sư, luật gia, CBCC người hiểu biết pháp luật hỗ trợ cho công tác hòa giải ở cơ sở

    Đó là mục tiêu đề ra tại Kế hoạch số 207/KH-UBND ngày 11/6/2024 của Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai về thực hiện Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2024 - 2030” trên địa bàn tỉnh. Việc ban hành Kế hoạch nhằm ổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Đề án trên địa bàn tỉnh, nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở, góp phần nâng cao hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở, ổn định tình hình an ninh - trật tự trên địa bàn; tăng cường vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị, địa phương trong triển khai thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở, nâng cao hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở.

    Căn cứ Quyết định số 315/QĐ-TTg và tình hình thực tế của địa phương; Kế hoạch số 207/KH-UBND xác định mục tiêu tổng quát là xây dựng, củng cố, nâng cao năng lực cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở tạo động lực thúc đẩy sự đổi mới, sáng tạo và ngày càng hiệu quả trong công tác hòa giải ở cơ sở, đáp ứng yêu cầu của xã hội trong giai đoạn mới, góp phần thiết thực vào phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đồng thời xác định các mục tiêu cụ thể như tối thiểu 10 tập huấn viên cấp tỉnh; mỗi huyện, thành phố có tối thiểu 05 tập huấn viên cấp huyện;100% đội ngũ tập huấn viên cấp tỉnh, cấp huyện được tập huấn, bồi dưỡng, cung cấp tài liệu để hướng dẫn, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng cho hòa giải viên ở cơ sở; ít nhất 20% tổ hòa giải ở cơ sở được luật sư, luật gia, Hội thẩm nhân dân, lực lượng Công an nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức công tác trong lĩnh vực pháp luật, người đã từng là Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Kiểm sát viên, Điều tra viên hỗ trợ về chuyên môn pháp luật…

    Để triển khai thực hiện Đề án, đảm bảo mục tiêu đề ra, Chủ tịch UBND tỉnh xác định 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để thực hiện gồm: (1) lựa chọn huyện huyện Vĩnh Cửu và huyện Cẩm Mỹ để thực hiện chỉ đạo điểm đối với 2 đơn vị cấp xã/mỗi huyện .(2) Thực hiện kiện toàn, nâng cao năng lực đội ngũ tập huấn viên cấp tỉnh, cấp huyện. (3) Xây dựng đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở có đủ tiêu chuẩn, năng lực đáp ứng yêu cầu của công tác hòa giải ở cơ sở; xây dựng đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở từ nguồn tuyên truyền viên pháp luật cấp xã; huy động cán bộ, công chức cấp xã, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở làm hòa giải viên ở cơ sở. (4) Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý nhà nước về công tác hòa giải ở cơ sở cho đội ngũ lãnh đạo UBND cấp xã, công chức Tư pháp - hộ tịch. (5) Bố trí kinh phí bảo đảm thực hiện các nội dung chi, mức chi cho công tác hòa giải ở cơ sở theo quy định pháp luật. (6) Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác hòa giải ở cơ sở. (7) Thu hút đội ngũ luật sư, luật gia, Hội thẩm nhân dân, lực lượng Công an nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức công tác trong lĩnh vực pháp luật, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, người đã từng là Thẩm phán, Kiểm sát viên, Điều tra viên tham gia, hỗ trợ cho công tác hòa giải; huy động các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân hỗ trợ cho công tác hòa giải ở cơ sở. (8) Tổ chức hội nghị, tọa đàm trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, tháo gỡ vướng mắc, vấn đề mới phát sinh trong công tác hòa giải ở cơ sở; tổ chức hội thi hòa giải viên giỏi. (9) Kiểm tra, khảo sát, sơ kết, tổng kết việc thực hiện Đề án, tổ chức tôn vinh, biểu dương, khen thưởng hòa giải viên, tổ chức, cá nhân có đóng góp tích cực trong thực hiện Đề án.

    Hội thi Hòa giải viên giỏi tỉnh Đồng Nai năm 2023

    Chủ tịch UBND tỉnh cũng giao Sở Tư pháp Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành và địa phương tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao đảm bảo theo tiến độ và các mục tiêu đề ra. Đồng thời yêu cầu Báo, Đài tăng cường tuyên truyền, phổ biến trên chuyên trang, chuyên mục báo, đài các quy định pháp luật về hòa giải ở cơ sở và tình hình triển khai thi hành pháp luật về hòa giải ở cơ sở, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về vị trí, vai trò và ý nghĩa của công tác hòa giải ở cơ sở trong đời sống xã hội, khuyến khích sử dụng hòa giải để giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn, vi phạm pháp luật trong cộng đồng dân cư; tuyên truyền, phổ biến về các mô hình hòa giải ở cơ sở hiệu quả trên địa bàn để lan tỏa, nhân rộng nhằm nâng cao hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở.

    Thời gian qua, công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần giải quyết kịp thời các mâu thuẫn, tranh chấp trong cộng đồng dân cư, giữ vững an ninh – trật tự, hạn chế các loại tội phạm xảy ra./.

    /Data/News/768/files/Ke_hoach_so_207_De_an_ve_hoa_giai_vien.pdf

    Đồng Hoa – Sở Tư pháp

    Lượt xem: 61

    © 2020 - Sở Tư Pháp Tỉnh Đồng Nai

      Lượt truy cập:     1,890