Hòa giải ở cơ sở

NỘI DUNG

    Hội nghị tập huấn cho tập huấn viên cấp tỉnh khu vực miền Nam do Bộ Tư pháp tổ chức tại tỉnh Đồng Nai

     

    Thực hiện Quyết định số 458/QĐ-BTP ngày 28/3/2022 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Kế hoạch của Bộ Tư pháp thực hiện các Đề án về phổ biến, giáo dục pháp luật; hòa giải ở cơ sở năm 2022, ngày 17/8/2022, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị bồi dưỡng cho tập huấn viên cấp tỉnh khu vực miền Nam về phương pháp, kỹ năng tập huấn cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở tại tỉnh Đồng Nai.

    Quang cảnh Hội nghị

    Hội nghị được tổ chức tại Khách sạn Đồng Nai, do đồng chí Ngô Quỳnh Hoa – Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp và đồng chí Nguyễn Thị Kim Hương - Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Đồng Nai đồng chủ trì. Tham dự Hội nghị có hơn 80 tập huấn viên cấp tỉnh đến từ các tỉnh khu vực phía Nam gồm Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, Lâm Đồng, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Đồng Tháp, Tiền Giang, An Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Cần Thơ.

    Đồng chí Ngô Quỳnh Hoa – Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp phát biểu khai mạc Hội nghị

    Tại Hội nghị, Tiến sĩ Nguyễn Thị Lan - giảng viên Trường Đại học Luật Hà Nội đã triển khai đến các đại biểu một số kiến thức cơ bản về hòa giải ở cơ sở; quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở; phương pháp, kỹ năng tập huấn cho hòa giải viên ở cơ sở và lưu ý những nội dung, kỹ năng quan trọng của tập huấn viên trong việc tập huấn cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở.

    Tập huấn viên là người dẫn dắt, định hướng, gợi mở kiến thức, cung cấp thông tin về nguồn tư liệu, giải đáp các câu hỏi do hòa giải viên đưa ra, truyền đạt kiến thức, kỹ năng cần thiết cho hòa giải viên, giúp hòa giải viên thực hiện có hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở. Để đạt mục tiêu tập huấn, tập huấn viên cần phải có kiến thức về hòa giải ở cơ sở, kiến thức pháp luật, hiểu biết về phong tục tập quán, nắm được cơ bản tình hình chính trị - xã hội của đất nước, vùng miền, cách thức tiến hành hòa giải... đặc biệt, kiến thức trong Bộ tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở cho hòa giải viên.

    Báo cáo viên với phương pháp truyền đạt sáng tạo, đổi mới bằng việc truyền tải các thông tin thông qua các trò chơi, thảo luận nhóm. Báo cáo viên cũng đã trực tiếp giải đáp các khó khăn, vướng mắc trong công tác hòa giải ở cơ sở. Đa số các đại biểu tham dự Hội nghị đều bày tỏ khó khăn về kinh phí hỗ trợ công tác hòa giải ở cơ sở, với mức chi theo quy định của Thông tư liên tục số 100/TTLT/BTC-BTP quá thấp so với sự phát triển kinh tế - xã hội hiện nay nên chưa khích lệ được đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở.

    Đồng chí Ngô Quỳnh Hoa - Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp đã trực tiếp giải đáp những thắc mắc của các đại biểu về công tác quản lý nhà nước cũng như thực tế hoạt động hòa giải ở cơ sở. Đồng chí Phó Vụ trưởng một lần nữa khẳng định vai trò, ý nghĩa của hoạt động hòa giải ở cơ sở là kịp thời giải quyết những tranh chấp, mẫu thuẫn phát sinh, giữ gìn mối đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng dân cư, góp phần ổn định tình hình an ninh, trật tự của địa phương và đề nghị các địa phương quan tâm nhiều hơn nữa đến công tác này. Tập trung nâng cao năng lực đội ngũ tập huấn viên, hòa giải viên ở cơ sở, thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật và kỹ năng hòa giải cho đội ngũ hòa giải viên, quan tâm bố trí kinh phí hỗ trợ; có các giải pháp phù hợp thu hút đội ngũ người làm từng làm công tác pháp luật như luật sư, luật gia, kiểm soát viên, thẩm phán… tham gia công tác hòa giải ở cơ sở.

    Sau 01 ngày tổ chức, Hội nghị đã đạt được mục tiêu, kế hoạch đề ra, trang bị cho đội ngũ tập huấn viên cấp tỉnh nhiều kiến thức bổ ích và kỹ năng quan trọng để tập huấn cho tập huấn viên cấp huyện, hòa giải viên ở cơ sở các kỹ năng hòa giải./.

    Bài: Đồng Hoa; Ảnh: Hồng Hà

    Lượt xem: 44

    © 2020 - Sở Tư Pháp Tỉnh Đồng Nai

      Lượt truy cập:     1,890