Hòa giải ở cơ sở

NỘI DUNG

    Huyện Nhơn Trạch tổ chức tập huẫn nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở năm 2024

    Ngày 26 tháng 4 năm 2024, Ủy ban nhân dân huyện Nhơn Trạch tổ chức hội nghị tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng hòa giải cho 192 đại biểu là công chức Phòng Tư pháp, công chức Tư pháp – hộ tịch xã, thị trấn và đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở.

    Quang cảnh Hội nghị

    Tại hội nghị, Luật sư Nguyễn Đức – Luật Sư thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai triển khai các nội dung cơ bản của Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành; vai trò, ý nghĩa quan trọng của công tác hòa giải ở cơ sở trong phòng ngừa các vi phạm pháp luật, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn và phát  huy quyền dân chủ của Nhân dân trong quản lý xã hội; so sánh sự khác nhau giữa hòa giải ở cơ sở với một số hình thức hòa giải khác như hòa giải trong tố tụng dân sự tại tòa, hòa giải tranh chấp hợp đồng lao động và hòa giải tranh chấp đất đai tại UBND cấp xã; các nguyên tắc của hòa giải ở cơ sở và bằng một số tình huống pháp luật cụ thể, báo cáo viên đã phân tích, giải thích cho hòa giải viên ở cơ sở hiểu, xác định rõ về phạm vi hòa giải ở cơ sở được quy định tại Điều 3, Luật Hòa giải ở cơ sở; Điều 5, Nghị định số 15/2014/NĐ-CP ngày 27 tháng 02 năm 2014 quy định chi tiết một số Điều và biện pháp thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở. Trong đó, đặc biệt lưu ý đối với các mâu thuẫn, tranh chấp không thuộc phạm vi được hòa giải. Thông qua đó, truyền đạt các kỹ năng hòa giải như kỹ năng phân tích tình huống, xác định mâu thuẫn, kỹ năng, kỹ năng tra cứu, tham khảo, vận dụng pháp luật, phong tục, tập quán …. trong giải quyết các vụ, việc hòa giải ở cơ sở.

    Báo cáo viên triển khai nội dung tại Hội nghị

    Bên cạnh đó, Luật sư Nguyễn Đức khẳng định hòa giải ở cơ sở là một trong những phương thức giải quyết tranh chấp hiệu quả góp phần không nhỏ vào đẩy mạnh cải cách tư pháp, phát huy dân chủ, xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân. Tuy nhiên, công tác hòa giải ở cơ sở có một số khó khăn hạn chế như phần lớn đội ngũ hòa giải viên là người lớn tuổi, có uy tín trong cộng đồng dân cư; phương pháp hòa giải chủ yếu là vận động, thuyết phục nên một số vụ, việc phức tạp, có liên quan đến chính sách và pháp luật, hòa giải viên gặp nhiều lúng túng trong giải quyết; việc ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới phương pháp, hình thức nhằm xây dựng các mô hình hòa giải hiệu quả trong công tác hòa giải còn hạn chế, gặp nhiều khó khăn. Do đó, khuyến nghị Ủy ban nhân dân huyện Nhơn Trạch cần có nhiều biện pháp triển khai đồng bộ nâng cao hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở. Trong đó, quan tâm tới công tác xã hội hóa công tác hòa giải ở cơ sở; vận động, thuyết phục người am hiểu pháp luật, đội ngũ Luật sư, Luật gia tham gia làm hòa giải viên ở cơ sở hoặc tư vấn, hướng dẫn các vụ, việc hòa giải phức tạp. Từ đó, góp phần nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở và hiệu quả thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013.       

                     Nguyễn Thị Chi – Phòng Tư pháp huyện Nhơn Trạch

                   

    Lượt xem: 16

    © 2020 - Sở Tư Pháp Tỉnh Đồng Nai

      Lượt truy cập:     1,890