Truyền thông dự thảo chính sách

NỘI DUNG

    Điểm mới trong dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) - bản dự thảo 7, dự kiến trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV

     

    Nước có vai trò rất quan trọng đối với sản xuất và đời sống. Vai trò của nước thể hiện trong mọi sinh hoạt của con người; đảm bảo an ninh lương thực cho xã hội và cần thiết trong mọi hoạt động kinh tế. Để thỏa mãn các nhu cầu vệ sinh cá nhân và sinh hoạt, mỗi người cần tới khoảng 120 lít nước/ngày. Nước tạo ra năng lượng điện để cung cấp cho hoạt động của nền kinh tế, là nguồn năng lượng sạch và chiếm 20% lượng điện của thế giới. Nước tham gia vào phần lớn việc sản xuất ra các sản phẩm để trao đổi, mua bán trên thị trường.

    Nhãn

    Qua hơn 10 năm thực hiện, Luật Tài nguyên nước năm 2012 đã góp phần tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của toàn xã hội về bảo vệ, khai thác sử dụng tài nguyên nước; tài nguyên nước được quản lý, sử dụng hiệu quả, bền vững hơn, mang lại nguồn thu cho ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, một số quy định của Luật 2012 còn giao thoa, chồng chéo với các luật khác dẫn đến khó thực hiện hoặc lãng phí nguồn lực. Đồng thời, thiếu khung pháp lý cho an ninh nguồn nước, đặc biệt là vấn đề bảo đảm an ninh nước cho sinh hoạt; thiếu quy định cụ thể liên quan đến điều hòa, phân bổ nguồn nước, giám sát chặt chẽ các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước; vấn đề bổ sung nhân tạo nước dưới đất; vấn đề giảm thiểu ngập lụt đô thị, định giá đầy đủ giá trị của tài nguyên nước; một số điều kiện kinh doanh không còn phù hợp; chưa có cơ chế, chính sách minh bạch, rõ ràng để tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích các nguồn lực xã hội của các thành phần kinh tế, các tổ chức chính trị - xã hội thuộc phạm vi trách nhiệm của Bộ, ngành, địa phương; một số nội dung phát sinh mới trong thực tiễn nhưng pháp luật chưa có quy định điều chỉnh. 

    Thực hiện Nghị quyết số 50/2022/QH15 ngày 13/6/2022 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Theo đó, Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) được xây dựng theo hướng quy định tất cả các nội dung về quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống tác hại do nước gây ra đã được quy định tại các Luật khác; đồng thời, bám sát vào 04 chính sách đã được Quốc hội thông qua tại Nghị Quyết số 50/2022/QH15 ngày 13/6/2022, gồm: Bảo đảm an ninh nguồn nước; Xã hội hóa ngành nước; Kinh tế tài nguyên nước; Bảo vệ tài nguyên nước, phòng chống tác hại do nước gây ra và đề xuất sửa đổi bổ sung một số chính sách khác.

    Bản dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) lần thứ 7, dự kiến trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV có kết cấu 10 chương, 87 điều. So với Luật Tài nguyên nước năm 2012, dự thảo Luật không tăng về số chương (trong đó giữ nguyên 19 điều; sửa đổi, bổ sung 55 điều; bổ sung mới 13 điều và bãi bỏ 5 điều). Trong đó, một số nội dung quy định đã được sửa đổi, bổ sung như: Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia; Hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước; Nguyên tắc lập quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh; Nội dung của quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh; Phương án khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước và khắc phục tác hại do nước gây ra trong quy hoạch tỉnh; Bảo vệ nguồn nước mặt; Dòng chảy tối thiểu; Quan trắc, giám sát khai thác tài nguyên nước; Sử dụng nước tuần hoàn, tái sử dụng nước; Kê khai, đăng ký, cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước; Tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước …

    Dự thảo Luật tài nguyên nước (sửa đổi) đã bổ sung các quy định về phân định rõ trách nhiệm quản lý nguồn nước và trách nhiệm quản lý công trình khai thác nước cả Trung ương và địa phương. Hướng tới quản lý tài nguyên nước (TNN) trên nền tảng công nghệ số, thống nhất về cơ sở dữ liệu, xây dựng bộ công cụ hỗ trợ ra quyết định theo thời gian thực, giảm thiểu nhân lực quản lý, vận hành, chi phí đầu tư của Nhà nước.

    Bên cạnh những quy định chung, dự thảo nêu rõ những quy định cụ thể về: Điều tra cơ bản, chiến lược, quy hoạch tài nguyên nước; bảo vệ tài nguyên nước; điều hòa, phân phối và Khai thác, sử dụng tài nguyên nước; phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra; công cụ kinh tế và nguồn lực cho bảo vệ và phát triển nguồn nước; quan hệ quốc tề về tài nguyên nước./.

    Phạm Thị Hồng Yến – Sở TNMT Đồng Nai

    Lượt xem: 119

    © 2020 - Sở Tư Pháp Tỉnh Đồng Nai

      Lượt truy cập:     1,810