Truyền thông dự thảo chính sách

NỘI DUNG

    Kỹ năng viết và đăng tải tin, bài truyền thông dự thảo chính sách trên mạng xã hội

    Hiện nay, với sự phát triển nhanh chóng của các mạng xã hội, vị thế của nó đang dần trở thành mũi nhọn trong công tác truyền thông ở thời điểm hiện tại và trong tương lai. Mạng xã hội có số lượng lớn, nhiều đối tượng, độ tuổi tham gia, truy cập nên đem lại khả năng tiếp cận sâu rộng và quảng bá nội dung cơ bản của dự thảo chính sách đến mọi đối tượng lại tiết kiệm chi phí. Chính vì vậy mạng xã hội trở thành công cụ truyền thông hiệu quả trong đó có việc truyền thông dự thảo các chính sách.

    Để sử dụng mạng xã hội trong công tác truyền thông dự thảo các chính sách một cách hiệu quả cần nhiều kỹ năng, trong đó có kỹ năng viết và đăng tải tin, bài truyền thông dự thảo chính sách trên mạng xã hội. Việc viết và đăng tải tin, bài truyền thông dự thảo chính sách trên mạng xã hội cần lưu ý một số nội dung sau:

    -  Chủ động nắm bắt đặc điểm tâm lý cư dân mạng và tâm trạng xã hội để kịp thời cung cấp thông tin đa chiều, gợi mở về dự thảo chính sách, gắn với thực tiễn đời sống xã hội được dư luận quan tâm.

    - Thông tin về dự thảo chính sách được tiếp cận ở các góc độ khác nhau, đa chiều cả nội dung và hình thức thể hiện, bảo đảm sự tương tác giữa chủ thể cung cấp thông tin và cư dân mạng. Theo đó, khi thông tin về một nội dung chính sách thì phải tiếp cận dưới nhiều góc độ khác nhau nhằm giúp người tiếp nhận thông tin có nhận thức sâu sắc hơn, hiểu rõ bản chất vấn đề.

    - Thông điệp truyền thông phải ngắn gọn và nổi bật. Những thông điệp truyền thông ngắn gọn, giản dị, sinh động, thuyết phục, mang màu sắc riêng, truyền cảm xúc sẽ tạo được sự thu hút.  

    - Nội dung truyền thông dự thảo chính sách trên mạng xã hội cần được lồng ghép một cách gián tiếp, khéo léo, tinh tế, đời thường hơn, gắn trực tiếp với các vấn đề, sự kiện được dư luận quan tâm. Yêu cầu đặt ra phải biến nội dung dự thảo chính sách thành các thông điệp truyền thông phù hợp với môi trường mạng bằng các video ngắn, hình ảnh động; megastory; mô phỏng; các bài đánh giá (review)...

      - Nội dung truyền thông cần cụ thể, có liên quan đến các sự kiện, sự việc có thật, đang diễn ra được nhiều người quan tâm, từ đó lý giải, đánh giá một cách khách quan, khoa học. Nội dung trình bày không chỉ bằng luận chứng, luận cứ khoa học mà còn bằng lý lẽ đời thường, có lý và có tình, chứa đựng nhiều cảm xúc, mang màu sắc cá nhân thì mới có thể thâm nhập vào cư dân mạng.

    - Nội dung nên thể hiện bằng những câu chuyện đơn giản, cảm động, hài hước vui vẻ có liên quan đến dự thảo chính sách để thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân. Hình thức trình bày nên nhẹ nhàng, ít mang tính hô hào, kêu gọi, giáo huấn và phải mang bản sắc cá nhân của chủ thể truyền thông.

    Truyền thông dự thảo các chính sách trên mạng xã hội sẽ giúp tiếp cận nhanh và nhiều các đối tượng. Tuy nhiên để thu hút được sự quan tâm của cộng đồng mạng về nội dung chính sách được truyền thông, người làm công tác truyền thông cần có sự vận dụng linh hoạt các kỹ năng phù hợp với từng nội dung và đối tượng truyền thông./.

    Đồng Hoa - Sở Tư pháp

    Lượt xem: 58

    © 2020 - Sở Tư Pháp Tỉnh Đồng Nai

      Lượt truy cập:     1,810