Truyền thông dự thảo chính sách

NỘI DUNG

    Sự cần thiết phải xây dựng Nghị quyết quy định về lệ phí hộ tịch trên địa bàn tỉnh

    Sở Tư pháp đang tham mưu UBND tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh dự thảo Nghị quyết quy định về lệ phí hộ tịch trên địa bàn tỉnh. Việc ban hành Nghị quyết quy định về lệ phí hộ tịch trên địa bàn tỉnh là cần thiết vì những lý do sau đây:

    1. Một số việc đăng ký hộ tịch chưa có quy định về việc thu phí

    Từ khi Luật Hộ tịch có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2016, việc thu lệ phí hộ tịch được thực hiện theo Nghị quyết số 72/2017/NQ-HĐND quy định về lệ phí hộ tịch trên địa bàn tỉnh Đồng Nai ngày 07/7/2017 của HĐND tỉnh Đồng Nai.

    Theo đó, UBND tỉnh Đồng Nai ban hành Quyết định số 42/2017/QĐ-UBND ngày 25/10/2017 ban hành Quy định về lệ phí hộ tịch trên địa bàn tỉnh Đồng Nai để tổ chức thực hiện công tác thu lệ phí hộ tịch tại địa phương. Qua kết quả tổng hợp phiếu khảo sát từ công chức thực hiện việc đăng ký hộ tịch tại UBND cấp huyện, cấp xã; và tình hình thu lệ phí hộ tịch theo Nghị quyết số 72/2017/NQ-HĐND, trong 6 năm, ngân sách nhà nước đảm bảo chi cho công tác đăng ký hộ tịch (văn phòng phẩm và các trang thiết bị) cho UBND cấp xã và UBND cấp huyện (11 địa phương) ước chi khoảng 7 tỷ đồng; ước thu khoảng 28 tỷ đồng (bao gồm cấp huyện và cấp xã của 11 đơn vị hành chính cấp huyện).

    Đến nay, hơn 6 năm thực hiện quy định về lệ phí hộ tịch, mức thu lệ phí nêu trên không còn phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương. Đồng thời, ngày 26/11/2021, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 106/2021/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 85/2019/TT-BTC ngày 29/11/2019 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn về phí và lệ phí thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; theo đó, tại điểm e khoản 3 Điều 1 Thông tư số 106/2021/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Thông tư số 85/2019/TT-BTC bổ sung đối tượng được miễn, giảm lệ phí hộ tịch theo quy định tại Điều 10 Luật Phí và lệ phí là trẻ em, người cao tuổi. Như vậy, so với Thông tư số 250/2016/TT-BTC ngày 11/11/2016 của Bộ Tài chính hướng dẫn về phí và lệ phí thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì hiện nay có một số quy định về lệ phí hộ tịch có sự thay đổi, cụ thể như sau:

    - Đối với thủ tục “Xác nhận hộ tịch”:  Ngày 28/7/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 87/2020/NĐ-CP quy định về cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, đăng ký hộ tịch trực tuyến; tại khoản 4 Điều 8 có quy định: “Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp khai thác, sử dụng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử để cấp bản sao trích lục hộ tịch, xác nhận thông tin hộ tịch đối với các trường hợp đã đăng ký hộ tịch tại các cơ quan đăng ký hộ tịch trên địa bàn hoặc người có yêu cầu đang cư trú trên địa bàn; thực hiện các hoạt động quản lý nhà nước khác trong lĩnh vực hộ tịch trên địa bàn theo quy định pháp luật. Đồng thời, tại Điều 8 Thông tư số 01/2022/TT-BTP ngày 04/01/2022 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Nghị định số 87/2020/NĐ-CP đã quy định rõ, cụ thể hơn về thủ tục này.

    Như vậy, theo quy định trên, có thực hiện thủ tục hành chính đối với thủ tục xác nhận hộ tịch và Thông tư số 106/2021/TT-BTC cũng đã quy định về nội dung thu đối với lĩnh vực này. Trước đây, việc thực hiện thủ tục xác nhận hộ tịch tại UBND cấp xã chiếm số lượng ít, thậm chí không phát sinh trường hợp nào do pháp luật chưa quy định rõ tên thủ tục hành chính và chưa được quy định trong Bộ thủ tục hành chính. Đến nay, qua thực hiện chủ trương xây dựng chính phủ điện tử, chính quyền số và công dân số, một số thông tin của công dân có sự không thống nhất sau khi cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được xây dựng. Do đó, trong thời gian tới việc xác nhận hộ tịch của công dân sẽ chiếm số lượng lớn để đảm bảo thông tin của công dân thống nhất giữa cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

    2. Điều kiện kinh tế xã hội của tỉnh đã phát triển nhiều so với thời điểm ban hành Nghị quyết số 72/2017/NQ-HĐND

    Đồng Nai có 11 đơn vị hành chính gồm: thành phố Biên Hòa; thành phố Long Khánh và 9 huyện: Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom, Thống Nhất, Cẩm Mỹ, Vĩnh Cửu, Xuân Lộc, Định Quán, Tân Phú, là tỉnh nằm trong vùng trọng điểm kinh tế phía Nam, có nhiều khu công nghiệp và cụm công nghiệp. Dân số toàn tỉnh Đồng Nai tính đến nay là hơn 3,2 triệu người, dân cư phân bố không đồng đều, chủ yếu tập trung tại khu vực đô thị. Với đặc điểm như vậy, dân nhập cư đến từ nhiều tỉnh và công dân nước ngoài đến sinh sống và làm việc tại tỉnh Đồng Nai ngày càng nhiều, dẫn đến nhu cầu đăng ký hộ tịch phát sinh ngày càng cao.

    Theo Báo cáo số 292/BC-UBND ngày 22/11/2022 của UBND tỉnh Đồng Nai về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh năm 2022; các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm 2023 của tỉnh Đồng Nai thì tổng thu nhập bình quân đầu người là trên 132,38 triệu đồng/người/năm, tăng 9,16% so với năm trước. GRDP bình quân đầu người năm 2022 theo USD dự ước đạt 5.717,2 USD, tăng 7,81% so với năm trước.

    Qua thống kê báo cáo hàng năm, cho thấy từ năm 2017 đến 3 tháng đầu năm 2023, nhóm việc chiếm số lượng nhiều nhất trong tổng số hồ sơ được giải quyết ở 2 cấp cơ quan đăng ký hộ tịch là các lĩnh vực: khai sinh, kết hôn; cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân; thay đổi, cải chính hộ tịch và cấp bản sao hộ tịch (bản sao trích lục hộ tịch).

    Trong quá trình thực hiện Quyết định số 42/2017/QĐ-UBND, các nhóm việc như đăng ký khai sinh, khai tử, kết hôn thì ngân sách nhà nước đảm bảo cho công tác này luôn chiếm số lượng lớn như: mua biểu mẫu hộ tịch, sổ hộ tịch, văn phòng phẩm, cước phí bưu điện gửi các cơ quan xác minh, máy tính, máy photo, máy scan, phí bảo trì phần mềm. Mặt khác, qua gần 6 năm áp dụng mức lệ phí hộ tịch theo Nghị quyết số 72/2017/NQ-HĐND đã không phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương do có sự trượt giá qua 6 năm, tỷ lệ lạm phát tăng 10%. Đồng thời, thực hiện chủ trương chuyển đổi số, hướng đến 100% hồ sơ thủ tục hành chính được nộp theo hình thức trực tuyến. Do đó, cần phải hoàn thiện về thể chế để có cơ sở pháp lý thu lệ phí, phương thức nộp đối với các nhóm việc này (trừ trường hợp được miễn thu lệ phí).

    Để đảm bảo nguyên tắc kịp thời trong việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lệ phí hộ tịch được áp dụng tại địa phương, tạo điều kiện cho đơn vị tổ chức thu lệ phí hộ tịch thực hiện tốt trong thời gian tới. Vì vậy, Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng Đề án về lệ phí hộ tịch trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, trình Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua là cần thiết.

    3. Một số tỉnh lân cận đã tăng mức thu lệ phí hộ tịch từ nhiều năm nay

    Tại khoản 2 Điều 8 Thông tư số 85/2019/TT-BTC quy định: “Việc quyết định thu phí, lệ phí; phạm vi, đối tượng thu, nộp, quản lý và sử dụng đối với các khoản phí, lệ phí nêu tại Điều 2 và Điều 3 Thông tư này do HĐND cấp tỉnh quyết định cho phù hợp với điều kiện địa phương, nhưng cần có sự tham khảo các địa phương khác để đảm bảo sự tương đồng giữa các địa phương”. Vì vậy, để có cơ sở tham mưu mức thu lệ phí, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tư pháp tham khảo 3 tỉnh gồm:

    - Tỉnh Bình Phước (Nghị quyết số 33/2020/NQ-HĐND ngày 10/12/2020 của HĐND tỉnh Bình Phước quy định về mức thu lệ phí hộ tịch trên địa bàn tỉnh Bình Phước): Mặc dù ban hành năm 2020 nhưng với mức thu lệ phí tương đương với mức đề xuất tại dự thảo Nghị quyết này.

    - Tỉnh Tây Ninh (Nghị quyết số 07/2021/NQ-HĐND ngày 01/7/2021 của HĐND tỉnh Tây Ninh quy định mức thu, chế độ thu, nộp lệ phí hộ tịch trên địa bàn tỉnh Tây Ninh): có một số mức thu tương đồng, một số mức thu cao hơn mức thu như dự thảo đề xuất

    - Tỉnh Bình Thuận (Nghị quyết số 23/2017/NQ-HĐND ngày 17/7/2017 của HĐND tỉnh Bình Thuận quy định về mức thu, chế độ thu, nộp và quản lý lệ phí hộ tịch trên địa bàn tỉnh Bình Thuận)./.

    Hồng Phước - Sở Tư pháp

     

    Lượt xem: 61

    © 2020 - Sở Tư Pháp Tỉnh Đồng Nai

      Lượt truy cập:     1,810