Tiếp cận pháp luật

NỘI DUNG

    Một số lưu ý trong công tác đánh giá cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật

    Thời gian qua, công tác đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật đã được các địa phương quan tâm thực hiện. Theo đó, việc thực hiện công tác đánh giá cấp xã đạt chuẩn tiếp cận trên địa bàn tỉnh đã dần đi vào nền nếp và đạt được những kết quả tích cực, chất lượng đánh giá năm sau cao hơn năm trước. Sự chủ động và quyết liệt của Sở Tư pháp với việc tham mưu tổ chức các đoàn kiểm tra, kịp thời phát hiện và hướng dẫn khắc phục các hạn chế, tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện các giải pháp hiệu quả đã tạo ra sự chuyển biết tích cực trong công tác chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở đó, các địa phương đã quan tâm nhiều hơn đến công tác đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật; có những giải pháp khắc phục các hạn chế, tồn tại và nâng cao hiệu quả công tác đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật.

    Kiểm tra công tác chuẩn tiếp cận pháp luật tại UBND thị trấn Tân Phú

    Tuy nhiên, UBND cấp xã vẫn còn một số hạn chế trong thực hiện tự đánh giá, thu thập tài liệu minh chứng, hoàn chỉnh hồ sơ, xây dựng báo cáo tự đánh giá. Để thực hiện đánh giá cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đúng quy định, đảm bảo đánh giá đúng kết quả thực hiện của địa phương, thống nhất trong kết quả đánh giá và tài liệu minh chứng, công chức tham mưu thực hiện tự đánh giá của UBND cấp xã cần lưu ý một số nội dung sau:

    1. Đối với Tiêu chí 1: Cần xác định đúng văn bản hành chính có nội dung liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của tổ chức, cá nhân do chính quyền cấp xã ban hành quy định tại Thông tư số 09/2021/TT-BTP. Theo đó, văn bản hành chính có nội dung liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của tổ chức, cá nhân bao gồm nghị quyết của HĐND cấp xã, Quyết định của UBND cấp xã, Quyết định của Chủ tịch UBND cấp xã để tổ chức triển khai các nhiệm vụ được giao nhằm bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh, phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, bảo vệ tài sản của cơ quan, tổ chức, bảo hộ tính mạng, tự do, danh dự, nhân phẩm, tài sản, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của công dân trên địa bàn trong một số lĩnh vực về kinh tế, đất đai, tài nguyên - môi trường, y tế, văn hóa, an sinh xã hội; dự toán, quyết toán ngân sách địa phương; chủ trương đầu tư chương trình, dự án của xã, phường, thị trấn trong phạm vi được phân quyền; Quyết định xử phạt vi phạm hành chính, Quyết định áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính của Chủ tịch UBND cấp xã, Trưởng công an cấp xã theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

    2. Đối với Tiêu chí 2, đây là tiêu chí có số điểm tối đa cao nhất trong 5 tiêu chí. Để thực hiện đánh giá tiêu chí này thì trong quá trình xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch công tác phổ biến, giáo dục pháp luật hằng năm, UBND cấp xã cần có sự định hướng nội dung các nhiệm vụ cụ thể, phù hợp với kế hoạch của Chủ tịch UBND cấp huyện và tình hình thực tế của địa phương; đảm bảo các nhiệm vụ khả thi, đảm bảo các nguồn lực để triển khai thực hiện kế hoạch. Theo đó, khi đánh giá cần phải xác định cụ thể số nhiệm vụ đề ra, số nhiệm vụ đã hoàn thành theo kế hoạch, việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát sinh ngoài kế hoạch.

     Thêm một nội dung cần lưu ý khi đánh giá đối với tiêu chí này đó chính là phân biệt các hình thức, mô hình thông tin, phổ biến, giáo dục pháp luật hiệu quả tại cơ sở tại chỉ tiêu 4 của tiêu chí này và mô hình điển hình về phổ biến, giáo dục pháp luật trong Bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao đến năm 2025. Nội dung chỉ tiêu 4 chỉ là hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật đã triển khai hiệu quả ở địa phương và cơ sở để đánh giá hiệu quả chính là ý kiến đánh giá của đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã, các tổ chức chính trị - xã hội cấp xã, đại diện thôn, tổ dân phố trên địa bàn. Còn mô hình điển hình về phổ biến, giáo dục pháp luật trong Bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao đến năm 2025 cần phải đảm bảo 3 chỉ tiêu được hướng dẫn tại Quyết định số 1143/QĐ-BTP của Bộ trưởng Bộ Tư pháp gồm

    Chính vì vậy khi thực hiện đánh giá chỉ tiêu 4 của Tiêu chí 2, công chức đánh giá của UBND cấp xã cần xác định đúng hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật đang được triển khai thường xuyên, hiệu quả tại địa phương để lấy ý kiến đánh giá.

    3. Đối với Tiêu chí 3. Hòa giải ở cơ sở, trợ giúp pháp lý, UBND cấp xã cần lưu ý phải có Văn bản của UBND cấp xã về dự toán kinh phí hỗ trợ hoạt động hòa giải làm tài liệu minh chứng trong tiêu chí này. Văn bản dự toán kinh phí ở đây là dự toán cụ thể đối với kinh phí hỗ trợ hoạt động hòa giải, không phải là văn bản dự toán kinh phí đảm bảo nhiệm vụ kinh tế - xã hội trong năm của địa phương, không có thông tin về kinh phí hòa giải ở cơ sở.

    4. Đối với Tiêu chí 5. Tổ chức tiếp công dân, giải quyết kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo, thủ tục hành chính; bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, khi đánh giá cần lưu ý đối với chỉ tiêu 3 - Không có cán bộ, công chức bị xử lý kỷ luật hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Theo đó, cần phân biệt việc có cán bộ, công chức bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự ở tiêu chí này với 1 trong các điều kiện công nhận chuẩn tiếp cận pháp luật được quy định tại khoản 3 Điều 4 Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ "không có cán bộ, công chức là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cấp xã bị xử lý kỷ luật hành chính do vi phạm pháp luật trong thi hành công vụ hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự". Nếu trong năm đánh giá, cấp xã có cán bộ, công chức là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cấp xã bị xử lý kỷ luật hành chính do vi phạm pháp luật trong thi hành công vụ hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì đánh giá chỉ tiêu 3 của Tiêu chí 5 là 0 điểm đồng thời cấp xã không đủ điều kiện để công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.

    Mặt khác đối với điều kiện công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật thì chỉ xét kỷ luật trong thi hành công vụ còn đối với việc đánh giá chỉ tiêu 3 thì chỉ cần có cán bộ, công chức bị xử lý kỷ luật là không được tính điểm chỉ tiêu này, không xét đến việc bị kỷ luật về hành vi gì.

    5. Khi thực hiện đánh giá đối với các nội dung tính điểm theo tỷ lệ % thì cần lưu ý trị số tuyệt đối để chấm điểm cho phù hợp với kết quả thực hiện của địa phương.

    6. Đối với các tài liệu minh chứng cho các nội dung, chỉ tiêu, tiêu chí cần có sự thống nhất thông tin, số liệu giữa các văn bản được sử dụng làm tài liệu minh chứng, sự thống nhất giữa báo cáo bằng văn bản, nội dung báo cáo tự đánh giá và báo cáo thống kê năm chính thức của UBND cấp xã.

    7. Việc sắp xếp các tài liệu minh chứng cho các chỉ tiêu, tiêu chí cần theo thứ tự, sử dụng giấy màu để phân biệt tài liệu giữa các chỉ tiêu, tiêu chí; nên có danh mục tài liệu để thuận lợi cho việc kiểm tra hồ sơ; đối với một văn bản được sử dụng để minh chứng cho nhiều chỉ tiêu, tiêu chí thì chỉ cần lưu 1 bản trong hồ sơ.

    Trên đây là một số nội dung cần lưu ý trong việc đánh giá cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật để việc đánh giá được hiệu quả, phản ánh đúng kết quả thực hiện của địa phương và tạo thuận lợi Hội đồng đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật cấp huyện trong việc rà soát, thẩm định./.


    Đồng Hoa - Sở Tư pháp

    Lượt xem: 71

    © 2020 - Sở Tư Pháp Tỉnh Đồng Nai

      Lượt truy cập:     1,431