Đồng Nai là một trong những tỉnh có số lượng vụ việc phát sinh trách nhiệm bồi thường của nhà nước nhiều trên cả nước. Thời gian qua công tác quản lý nhà nước về bồi thường nhà nước đã được UBND tỉnh quan tâm triển khai thực hiện các đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên trong quá trình triển khai thực hiện cũng phát sinh những khó khăn, vướng mắc do các quy định pháp luật chưa hướng dẫn cụ thể dẫn đến lúng túng và có các quan điểm khác nhau trong thực hiện. Cụ thể như sau:
Một là do điều kiện tiếp cận pháp luật còn hạn chế, mặc dù tỉnh đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến với nhiều hình thức đa dạng, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương nhưng vẫn còn nhiều trường hợp người dân chưa nắm rõ quy định pháp luật về bồi thường nhà nước dẫn đến việc yêu cầu bồi thường nhà nước không đúng quy định pháp luật.
Hai là công chức được bố trí phụ trách thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước và giải quyết bồi thường nhà nước tại Sở Tư pháp và các cơ quan, đơn vị chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc giải quyết bồi thường, do vậy công tác tham mưu vẫn còn có một số hạn chế nhất định.
Ba là công tác giải quyết bồi thường thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự là nhiệm vụ phức tạp, có liên quan đến nhiều cơ quan khác nhau, có nhiều quan điểm áp dụng pháp luật khác nhau, các cơ quan không thống nhất được cơ quan giải quyết bồi thường, việc xác định cơ quan giải quyết bồi thường trong trường hợp này gặp nhiều khó khăn mang nhiều tính đặc thù chuyên môn nên không tránh khỏi khó khăn, lúng túng trong việc giải quyết yêu cầu bồi thường nhà nước.
Bốn là các cơ quan tố tụng là cơ quan hưởng ngân sách của Trung ương khi có phát sinh yêu cầu bồi thường nhà nước cần phải có thời gian chờ Bộ Tài chính cấp kinh phí nên các trường hợp đề nghị cấp kinh phí bồi thường thường bị chậm chi trả, gây bức xúc cho người bị thiệt hại.
Năm là trong quá trình thụ lý, giải quyết các đơn yêu cầu bồi thường, các trường hợp người bị thiệt hại thường đưa ra số tiền yêu cầu bồi thường lớn, nhiều khoản không có căn cứ, không kê khai các khoản thiệt hại nên trong quá trình thương lượng giữa người đại diện thực hiện việc giải quyết bồi thường với người bị thiệt hại, khiến việc giải quyết bồi thường bị tồn đọng, kéo dài, không tạo được sự đồng thuận, ảnh hưởng đến hiệu quả giải quyết bồi thường nên cơ quan trực tiếp bồi thường và người bị oan phải gặp nhau nhiều lần để tính toán, xác định, thỏa thuận mức bồi thường.
Để chứng minh thiệt hại thì người yêu cầu bồi thường là người bị thiệt hại có nghĩa vụ “cung cấp kịp thời, chính xác, trung thực tài liệu, chứng cứ có liên quan đến yêu cầu bồi thường và chịu trách nhiệm pháp luật về việc cung cấp tài liệu, chứng cứ của mình” được quy định tại khoản 2 Điều 13 và khoản 1 Điều 16 Luật TNBTCNN và các văn bản hướng dẫn thi hành nhưng lại không quy định chế tài đối với cá nhân, tổ chức cố tình giả mạo hồ sơ, tài liệu, giấy tờ để được bồi thường.
Sáu là việc xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường còn có quan điểm khác nhau, từ đó xảy ra việc có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại nhưng chưa được thụ lý , giải quyết kịp thời.
Bảy là việc xác lập trách nhiệm hoàn trả, thực hiện quyết định hoàn trả và xử lý kỷ luật người thi hành công vụ còn chưa kịp thời. Những khó khăn, vướng mắc này tại buổi làm việc với Đoàn Kiểm tra liên ngành của Bộ Tư pháp về công tác bồi thường nhà nước năm 2024, Sở Tư pháp và các sở, ngành của tỉnh Đồng Nai cũng đã báo cáo, trao đổi với với Đoàn Kiểm tra.
Để giải quyết các khó khăn, vướng mắc trên nhằm thực hiện tốt hơn công tác công tác quản lý nhà nước về bồi thường nhà nước trong thời gian tới cần kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số quy định pháp luật liên quan đến công tác bồi thường nhà nước, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan phát sinh bồi thường nhà nước và cơ quan quản lý nhà nước về bồi thường nhà nước, tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ về bồi thường nhà nước cho công chức, viên chức của các ngành./.
Đồng Hoa - Sở Tư pháp
© 2020 - Sở Tư Pháp Tỉnh Đồng Nai