Tiếp cận pháp luật

NỘI DUNG

    Bảo vệ nước dưới đất chính là bảo vệ tài sản quốc gia

    Mặc dù chưa phải là quốc gia thiếu nước nghiêm trọng, tuy nhiên trong những năm gần đây tài nguyên nước Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức lớn như: Nguồn nước của Việt Nam chủ yếu phụ thuộc vào nước ngoài; Nguồn nước phân bố không đều theo không gian và thời gian; Rừng đầu nguồn bị suy giảm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn sinh thủy trên các lưu vực sông; Tác động của biến đổi khí hậu đã tác động mạnh mẽ đến tài nguyên nước, dự báo đến năm 2030 lượng nước có xu hướng tăng lên. Bên cạnh các thách thức nội tại về nguồn nước nêu trên, áp lực phát triển kinh tế xã hội nên nhu cầu sử dụng nước gia tăng, ô nhiễm nguồn nước ngày càng nghiêm trọng hơn và nhiều dòng sông dòng chảy đã và đang xu hướng cạn kiệt là một trong các nguyên nhân có thể làm kìm hãm sự phát triển KT-XH và suy giảm chất lượng cuộc sống của người dân.Trước những thách thức về tài nguyên nước như trên, Đảng và Chính phủ đã có các chỉ đạo nhằm khẩn trương có các giải pháp để đảm bảo an ninh nguồn nước, đặc biệt là Kết luận số 36-KL/TW ngày 23/6/2022 của Bộ Chính trị về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

     

    Khoan khai thác nước dưới đất

    Luật Tài nguyên nước 2023 được Quốc hội thông qua tháng 11/2023 đã tập trung sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm giải quyết được những vấn đề về tài nguyên nước hiện nay và nhìn được xa hơn trong thời gian tới nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước cho dân sinh, các hoạt động phát triển kinh tế, môi trường; bên cạnh đó, Luật Tài nguyên nước 2023 đã có các quy định hướng tới để tài nguyên nước dần thực sự được coi là tài sản quốc gia và có giá trị rất cao về mặt kinh tế - xã hội. Như vậy, chúng ta thấy rằng Đảng và Chính phủ đã có những hành động để hướng tới bảo vệ nguồn nước, nguồn tài nguyên quan trọng cho cuộc sống của người dân và cho sự phát triển đất nước, còn đối với từng người dân phải nhận thức được tầm quan trọng và sự quý giá của nguồn tài nguyên này để sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ các nguồn nước, bảo vệ nguồn nước chính là bảo vệ sự sống của chúng ta và của các loài sinh vật trên trái đất. Vì vậy, để bảo vệ nước dưới dất, các tổ chức, cá nhân phải tuân thủ các quy định sau đây:

    1. Việc khoan điều tra, khảo sát, thăm dò và khoan khai thác nước dưới đất phải do tổ chức, cá nhân có giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất thực hiện.

    2. Trước khi xây dựng công trình khai thác nước dưới đất hoặc điều chỉnh tăng lưu lượng khai thác của công trình vượt quá 25% lưu lượng quy định trong giấy phép khai thác nước dưới đất đã cấp mà có khoan bổ sung giếng khai thác, chủ đầu tư phải thực hiện thăm dò để đánh giá trữ lượng, chất lượng, khả năng khai thác và phải có giấy phép thăm dò nước dưới đất, trừ các trường hợp khai thác nước dưới đất không phải cấp phép.

    3. Tổ chức, cá nhân thi công công trình thăm dò nước dưới đất phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất theo quy định của Nghị định số 54/2024/NĐ-CP ngày 16/5/2024 của Chính phủ.

    4. Trong quá trình thăm dò, tổ chức, cá nhân thi công công trình thăm dò nước dưới đất có nghĩa vụ: Thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cho người và công trình thăm dò; Không gây sụt, lún đất, xâm nhập mặn, ô nhiễm các tầng chứa nước; Thực hiện các biện pháp khác để bảo vệ nước dưới đất, bảo vệ môi trường.

    5. Chủ đầu tư công trình thăm dò nước dưới đất có nghĩa vụ: Phối hợp với tổ chức, cá nhân thi công công trình thăm dò nước dưới đất kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định tại khoản 3 Điều 5 Nghị định số 54/2024/NĐ-CP ngày 16/5/2024 của Chính phủ, nếu phát hiện có vi phạm thì phải dừng ngay việc thăm dò; Trường hợp xảy ra sự cố thì phải khắc phục kịp thời, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật; Nộp báo cáo kết quả thăm dò cho cơ quan tiếp nhận, thẩm định hồ sơ quy định tại Điều 16 Nghị định số 54/2024/NĐ-CP ngày 16/5/2024 của Chính phủ; Trong thời hạn 30 ngày sau khi kết thúc thăm dò, chủ đầu tư công trình thăm dò nước dưới đất cập nhật thông tin, dữ liệu kết quả thăm dò vào Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia theo quy định.

    6. Tổ chức, cá nhân phải thực hiện việc trám lấp giếng bị hỏng, không còn sử dụng hoặc không có kế hoạch tiếp tục sử dụng đối với các trường hợp sau đây: Khoan, đào giếng để điều tra, đánh giá, thăm dò, khai thác nước dưới đất; Khoan khảo sát địa chất công trình, xử lý nền móng công trình xây dựng, xây dựng công trình ngầm; Khoan thăm dò địa chất, thăm dò, khai thác khoáng sản, dầu khí và các dự án khác./.

    Phạm Thị Hồng Yến - Sở TNMT Đồng Nai

     

    Lượt xem: 7

    © 2020 - Sở Tư Pháp Tỉnh Đồng Nai

      Lượt truy cập:     1,118