Căn cứ Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg ngày 25/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và Thông tư số 09/2021/TT-BTP ngày 15/11/2021 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn thi hành Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg ngày 22/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, UBND các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đã thực hiện đầy đủ quy trình chấm điểm, đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
Theo báo cáo của Chủ tịch UBND các huyện, thành phố hồ sơ tự đánh giá của UBND cấp xã đã tương đối hoàn thiện, đầy đủ hơn năm 2022. UBND cấp xã trên địa bàn tỉnh đã thực hiện tự chấm điểm, đánh giá kết quả thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu; niêm yết công khai kết quả tự chấm điểm, đánh giá; gửi hồ sơ đề nghị công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đến UBND các huyện, thành phố đầy đủ thành phần theo quy định. Tài liệu minh chứng của UBNS cấp xã cũng đã đầy đủ, phù hợp hơn so với năm 2022. Đa số các địa phương đã thực hiện việc họp trực tiếp Hội đồng đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật cấp huyện (08/11), có những địa phương vừa thực hiện gửi hồ sơ văn bản lấy ý kiến, vừa tổ chức họp trực tiếp. Chủ tịch UBND cấp huyện đã ban hành Quyết định công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2023 và công bố kết quả trên chuyên mục “Chuẩn tiếp cận pháp luật” của Trang Thông tin điện tử của các huyện, thành phố)đúng hạn theo quy định của Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg.
Kết quả trong năm 2023, trên địa bàn tỉnh có có 166/170 cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (TP. Biên Hòa: 30/30 phường, xã; huyện Vĩnh Cửu: 10/12 xã, thị trấn; huyện Trảng Bom: 16/17 xã, thị trấn; huyện Thống Nhất: 10/10 xã, thị trấn; TP. Long Khánh: 14/15 xã, phường; huyện Cẩm Mỹ: 13/13 xã; thị trấn; huyện Xuân Lộc: 15/15 xã, thị trấn; huyện Định Quán: 14/14 xã, thị trấn; huyện Tân Phú 18/18 xã, thị trấn; huyện Long Thành: 14/14 xã, thị trấn; huyện Nhơn Trạch: 14/14 xã, thị trấn). Có 04/170 cấp xã chưa đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (huyện Vĩnh Cửu: xã Hiếu Liêm, xã Bình Hòa; huyện Trảng Bom: xã Giang Điền; thành phố Long Khánh: phường Bàu Sen).
04 địa phương chưa đạt chuẩn tiếp cận pháp luật là do trong năm 2023 có cán bộ là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền bị xử lý kỷ luật hành chính do vi phạm pháp luật trong thi hành công vụ (03 trường hợp) và bị khởi tố hình sự (01 trường hợp).
Đây là năm thứ 2 thực hiện đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo quy định của Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg. Trên cơ sở văn bản hướng dẫn của Sở Tư pháp và chỉ đạo của Chủ tịch UBND cấp huyện, UBND cấp xã trên địa bàn tỉnh đã thực hiện tự chấm điểm, đánh giá kết quả thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu; niêm yết công khai kết quả tự chấm điểm, đánh giá; gửi hồ sơ đề nghị công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đến UBND các huyện, thành phố đầy đủ thành phần theo quy định.
Sau khi Đoàn Kiểm tra của Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh thực hiện 02 đợt kiểm tra tại 09 đơn vị cấp huyện và 38 đơn vị cấp xã, trực tiếp chỉ ra những tồn tại, hạn chế của các địa phương; Chủ tịch UBND tỉnh đã có 02 Văn bản chỉ đạo riêng về công tác PBGDPL. Trên cơ sở đó, các địa phương đã quan tâm nhiều hơn đến công tác đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật; có những giải pháp khắc phục các hạn chế, tồn tại và nâng cao hiệu quả công tác đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật. Vì vậy công tác đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2023 có nhiều chuyển biến tích cực so với năm 2022.
Để phát huy những kết quả tích cực trong năm 2023, nâng cao chất lượng thực hiện các chỉ tiêu, tiêu chí; Sở Tư pháp sẽ tiếp tục tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện các giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật./.
Đồng Hoa – Sở Tư pháp
© 2020 - Sở Tư Pháp Tỉnh Đồng Nai