Tiếp cận pháp luật

NỘI DUNG

    Kết quả đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2022

    Căn cứ Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg ngày 25/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luậtThông tư số 09/2021/TT-BTP ngày 15/11/2021 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn thi hành Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg ngày 22/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, UBND các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã thực hiện các trình tự, thủ tục đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2022 theo quy định.

    Quang cảnh Hội nghị tập huấn chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2022

    Kết quả trong năm 2022, trên địa bàn tỉnh có có 162/170 cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; 08/170 cấp xã chưa đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Những địa phương chưa đạt chuẩn tiếp cận pháp luật là do trong năm 2022 có cán bộ, công chức là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền bị xử lý kỷ luật hành chính do vi phạm pháp luật trong thi hành công vụ.

    Các địa phương đã thực hiện đầy đủ quy trình chấm điểm, đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo quy định tại Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg và Thông tư số 09/2021/TT-BTP. Chủ tịch UBND cấp huyện đã ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2022 theo quy định và hướng dẫn của Sở Tư pháp. UBND cấp xã trên địa bàn tỉnh đã thực hiện tự chấm điểm, đánh giá kết quả thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu; niêm yết công khai kết quả tự chấm điểm, đánh giá; gửi hồ sơ đề nghị công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đến UBND cáC huyện, thành phố đầy đủ thành phần theo quy định. Tuy nhiên một số địa phương gửi hồ sơ chậm so với thời gian quy định.

    Nhìn chung, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đã có quan tâm và triển khai thực hiện theo đúng quy định tại Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg và Thông tư số 09/2021/TT-BTP. Công chức tham mưu thực hiện công tác chuẩn tiếp cận pháp luật đều đã được tập huấn nghiệp vụ nên cơ bản đã nắm rõ các quy định. Tuy nhiên, một số địa phương cấp xã việc thực hiện đánh giá vẫn còn mang tính hình thức, việc tổng hợp các biểu thống kê báo cáo theo quy định vẫn còn sai sót; một số xã, phường, thị trấn còn lúng túng khi xác định mô hình điển hình về phổ biến, giáo dục pháp luật và hòa giải ở cơ sở; thực hiện việc tự chấm điểm, gửi hồ sơ đề nghị đánh giá về UBND cấp huyện chậm so với thời gian quy định.

    Nguyên nhân là do một bộ phận công chức cấp xã vẫn chưa nhận thức đầy đủ về vai trò và tầm quan trọng của công tác chuẩn tiếp cận pháp luật; đội ngũ công chức làm công tác chuẩn tiếp cận pháp luật chủ yếu công chức Tư pháp - hộ tịch cấp xã trong bối cảnh khối lượng công việc được giao nhiều, áp lực lớn, một số địa phương chỉ có 01 công chức Tư pháp - hộ tịch đảm nhận nhiều đầu việc, do đó việc tổng hợp, tham mưu đánh giá chuẩn tiếp cận còn chậm, chất lượng chưa cao.

    Để khắc phục những hạn chế, vướng mắc và nâng cao chất lượng đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới cần những giải pháp đồng bộ với sự tham gia của các ngành, các cấp, trong đó vai trò chủ yếu là UBND cấp xã. Chính quyền cấp xã cần tập trung thực hiện các giải pháp nhằm đảm bảo thực hiện các chỉ tiêu, tiêu chí theo quy định, đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của người dân.

    Đồng Hoa - Sở Tư pháp

     

     

    Lượt xem: 83

    © 2020 - Sở Tư Pháp Tỉnh Đồng Nai

      Lượt truy cập:     1,119