Gương sáng Pháp luật Đồng Nai

Cán bộ tư pháp tận tâm với công việc

 

Hơn 20 năm công tác trong ngành tư pháp, Phó giám đốc Sở Tư pháp Phan Quang Tuấn luôn tận tâm với công việc và nỗ lực hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.

Phó giám đốc Sở Tư pháp Phan Quang Tuấn đại diện tập thể Sở Tư pháp nhận Bằng khen của
Thủ tướng Chính phủ về thành tích xuất sắc  trong 10 năm thực hiện Ngày Pháp luật Việt Nam. Ảnh: C.T.V

Phó giám đốc Sở Tư pháp Phan Quang Tuấn đại diện tập thể Sở Tư pháp nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ về thành tích xuất sắc trong 10 năm thực hiện Ngày Pháp luật Việt Nam. Ảnh: C.T.V

Đặc biệt, ông Phan Quang Tuấn đã đưa ra những sáng kiến mới, cách làm hay trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), kiên quyết chấn chỉnh những sai phạm trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, góp phần nâng cao hiệu quả công tác tư pháp ở tỉnh Đồng Nai.

Có nhiều sáng kiến mới, cách làm hay

Ông Phan Quang Tuấn công tác tại Sở Tư pháp hơn 20 năm và trải qua nhiều vị trí công việc, từ chuyên viên, Phó trưởng phòng, Trưởng phòng Xây dựng và kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (nay đổi thành Phòng Xây dựng và PBGDPL) cho đến Phó giám đốc Sở Tư pháp. Thời gian công tác, ông được Sở Tư pháp tạo điều kiện du học chuyên môn nghiệp vụ (tiến sĩ khoa học pháp lý tại Úc), sau đó trở về tiếp tục công tác tại sở cho đến nay.

“Ở mỗi vị trí công tác, tôi luôn nỗ lực hết mình, không ngừng học hỏi, trau dồi kiến thức, kỹ năng công tác, nghiên cứu, tìm tòi và đưa ra những sáng kiến mới, cách làm hay để nâng cao hiệu quả công tác” - ông Tuấn bộc bạch.

Thời gian qua, ông Tuấn đã có những sáng kiến đóng góp cho công tác xây dựng văn bản, xây dựng các mô hình PBGDPL mới và được Bộ Tư pháp, UBND tỉnh đánh giá cao.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Tuấn cho hay, lúc còn làm Trưởng phòng PBGDPL, ông đã xác định yêu cầu của công tác PBGDPL là cần phải đổi mới hình thức phổ biến, ứng dụng công nghệ thông tin để truyền tải nhanh, hiệu quả các quy định pháp luật đến với người dân. Chính vì vậy, ông đề xuất tổ chức thực hiện mô hình Cuộc thi trực tuyến Tìm hiểu pháp luật vào năm 2018. Mặc dù Đồng Nai lúc đó không phải là tỉnh được Bộ Tư pháp chọn thí điểm thực hiện mô hình nhưng ông đã chủ động đề xuất, tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh ban hành kế hoạch và tổ chức cuộc thi trên phạm vi toàn tỉnh cho đối tượng cán bộ, công chức, học sinh, sinh viên tìm hiểu pháp luật về hình sự, an toàn vệ sinh thực phẩm và an toàn giao thông.

“Cuộc thi năm 2018 đã thu hút gần 90 ngàn lượt thí sinh tham gia và được Bộ Tư pháp, UBND tỉnh đánh giá cao. Từ đó, Đồng Nai hàng năm đều tổ chức Cuộc thi trực tuyến Tìm hiểu pháp luật cho đến nay, thu hút hơn 5 triệu lượt thi với gần 20 lĩnh vực pháp luật và tạo được hiệu ứng lan tỏa rộng lớn” - ông Tuấn chia sẻ.

Bên cạnh đó, ông Tuấn còn có cách làm hay trong việc tổ chức các hội thi tìm hiểu pháp luật dưới hình thức sân khấu hóa. Trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển, hình thức tuyên truyền miệng truyền thống bị giảm hiệu quả thì việc tổ chức hội thi theo hình thức sân khấu hóa là phù hợp. Mô hình này tạo ra sân chơi hấp dẫn, có sự giao lưu, học hỏi giữa các đơn vị, địa phương và lan tỏa các thông điệp truyền thông.

Năm 2019, ông Tuấn chủ động tham mưu lãnh đạo tổ chức Hội thi Tìm hiểu pháp luật về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ với sự tham gia của 11 đội thi đến từ các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. Hội thi đã tạo được hiệu ứng tốt với nhiều câu chuyện, thông điệp ý nghĩa được truyền tải đến người xem. Phát huy kết quả đạt được, hàng năm, Sở Tư pháp đã duy trì tổ chức các hội thi tìm hiểu pháp luật và quy mô, đối tượng cũng được lan tỏa rộng rãi.

Giám đốc Sở Tư pháp VÕ THỊ XUÂN ĐÀO nhận xét, hàng năm, các lĩnh vực chuyên môn do ông Phan Quang Tuấn phụ trách đều được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần vào thành tích chung của Sở Tư pháp với 6 năm liên tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và 5 năm liền được nhận Cờ thi đua của Chính phủ, Bộ Tư pháp, UBND tỉnh và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ về thành tích xuất sắc trong 10 năm thực hiện Ngày Pháp luật Việt Nam. Ông Tuấn vừa được Sở Tư pháp thống nhất đề cử là cá nhân điển hình, tiêu biểu cho Chương trình Gương sáng pháp luật Đồng Nai năm 2024.

Quyết liệt chấn chỉnh sai phạm

Những năm gần đây, với cương vị Phó giám đốc Sở Tư pháp, ông Phan Quang Tuấn đã quyết liệt chỉ đạo xử lý, chấn chỉnh những sai phạm trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp (công chứng, luật sư…) và mang lại nhiều kết quả tích cực.

Ông Tuấn cho biết, thời gian qua, cùng với sự phát triển của các tổ chức hành nghề (TCHN) bổ trợ tư pháp đáp ứng nhu cầu của tổ chức, cá nhân thì cũng tạo áp lực lớn cho công tác quản lý nhà nước. Để đảm bảo hoạt động của các TCHN bổ trợ tư pháp, ông đã cùng tập thể Ban giám đốc Sở Tư pháp quyết liệt thực hiện các hoạt động quản lý nhà nước. Thông qua công tác tiếp nhận, xử lý các đơn khiếu nại, tố cáo của công dân, ông đã kịp thời chỉ đạo kiểm tra, xác minh làm rõ các hành vi vi phạm liên quan đến hoạt động của các TCHN, công chứng viên, luật sư; kịp thời chấn chỉnh, xử lý các hành vi vi phạm. Đặc biệt, ông đã quyết liệt xử lý các hành vi “lách luật”, thực hiện làm chứng, xác nhận hợp đồng, giao dịch trái pháp luật của các luật sư, TCHN luật sư.

Điển hình, từ năm 2023 đến nay, Sở Tư pháp đã thực hiện kiểm tra đột xuất đối với 3 TCHN luật sư (từ đơn thư phản ánh, tố cáo của công dân về việc luật sư làm chứng mua bán nhà đất bằng giấy tay) và ban hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) theo quy định; tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh ban hành quyết định xử phạt VPHC đối với 2 luật sư H.Đ.B., N.D.B. và Văn phòng Luật sư H.Đ.B., Chi nhánh Văn phòng Luật sư M.T.K.S. (tại thành phố Biên Hòa). Sở đã có văn bản đề nghị Đoàn Luật sư tỉnh xử lý kỷ luật đối với 2 luật sư H.Đ.B., N.D.B. và đề nghị Bộ Tư pháp thu hồi chứng chỉ hành nghề luật sư đối với ông N.D.B…

Từ năm 2020 đến 9 tháng của năm 2024, Sở Tư pháp đã tổ chức 147 lượt thanh tra, kiểm tra tập trung lĩnh vực công chứng, chứng thực, đấu giá tài sản, luật sư, thừa phát lại. Qua đó, sở đã phát hiện 99 tổ chức, cá nhân vi phạm và ban hành 99 quyết định xử phạt VPHC với số tiền hơn 1,1 tỷ đồng. Ngoài ra, sở đã đình chỉ hoạt động 3 TCHN luật sư; tước quyền sử dụng giấy đăng ký hoạt động đối với một TCHN luật sư; tước quyền sử dụng thẻ công chứng viên có thời hạn đối với 9 công chứng viên.

Tuy nhiên, công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp hiện còn gặp những khó khăn, thử thách. Một số quy định xử phạt VPHC liên quan đến luật sư, công chứng còn chưa chặt chẽ dẫn đến các tổ chức, cá nhân có các hành vi “lách luật” như việc làm chứng, xác nhận trong các hợp đồng, giao dịch mua bán chưa có quy định cụ thể về việc xử phạt. Công tác phối hợp của các cơ quan, đơn vị liên quan trong việc quản lý, xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật đôi lúc còn chưa kịp thời…

“Điều khiến chúng tôi suy nghĩ nhiều là người dân thường chỉ gửi đơn, thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến các cá nhân, TCHN cho Sở Tư pháp khi các bên không thể thỏa thuận, giải quyết được các tranh chấp dân sự phát sinh. Vì vậy, khi sở tiếp nhận thông tin, thực hiện kiểm tra, xác minh thì nhiều trường hợp đã hết thời hiệu xử phạt VPHC nên không xử lý được” - ông Tuấn bộc bạch.

Trước tình hình trên, với nhiệm vụ của mình, ông Tuấn sẽ tham mưu cho Ban giám đốc Sở Tư pháp triển khai một số giải pháp quản lý nhà nước trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp trong thời gian tới. Trong đó, tiếp tục tăng cường thanh, kiểm tra đối với các TCHN bổ trợ tư pháp; nâng cao hiệu quả công tác phối hợp với các tổ chức xã hội nghề nghiệp (Hội Công chứng viên tỉnh, Đoàn Luật sư tỉnh) trong công tác giám sát, quản lý các công chứng viên, luật sư trong quá trình hành nghề, kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm; tăng cường quán triệt, giáo dục đội ngũ luật sư, công chứng viên thực hiện nghiêm quy tắc đạo đức, ứng xử trong quá trình hành nghề; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, PBGDPL nhằm nâng cao nhận thức pháp luật của người dân, góp phần hạn chế các rủi ro, tranh chấp phát sinh liên quan đến hoạt động của luật sư, công chứng.

Nguồn: Báo Đồng Nai

Lượt xem: 30

© 2020 - Sở Tư Pháp Tỉnh Đồng Nai

  Lượt truy cập:     272