Gương sáng Pháp luật Đồng Nai

Chủ tịch xã nhiều năm gắn bó với công tác hòa giải ở cơ sở

22 năm công tác trong ngành tư pháp, bà Hoàng Thị Bích Ngọc (hiện là Chủ tịch UBND xã Phú Thanh, huyện Tân Phú) luôn nỗ lực hoàn thành các nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, bà đã tham mưu lãnh đạo địa phương triển khai thực hiện tốt công tác hòa giải ở cơ sở.

Bà Hoàng Thị Bích Ngọc (bìa phải) nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh về thành tích xuất sắc trong 10 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở. Ảnh: A.Nhơn

Năm 2002, bà Ngọc được tuyển dụng vào làm việc tại Phòng Tư pháp huyện Tân Phú với chức danh chuyên viên và được bổ nhiệm làm Phó trưởng phòng Tư pháp huyện vào đầu năm 2013. Năm 2017, bà được bổ nhiệm Quyền trưởng Phòng Tư pháp huyện Tân Phú và tiếp tục làm công tác tư pháp cho đến tháng 9-2024 thì được điều động về giữ chức vụ Chủ tịch UBND xã Phú Thanh cho đến nay.

Bà Ngọc cho biết, Tân Phú là huyện miền núi, là một trong những địa phương có nhiều thành phần dân tộc sinh sống và chủ yếu sinh sống bằng nghề nông. Bản sắc văn hóa từng dân tộc góp phần tạo nên sự đa dạng, phong phú của nền văn hóa Việt Nam. Tuy nhiên, trong đời sống sinh hoạt hàng ngày của người dân cũng phát sinh những mâu thuẫn, tranh chấp.

Từ thực tiễn trên, khi còn công tác tại Phòng Tư pháp huyện Tân Phú, bà Ngọc đã chủ động tham mưu lãnh đạo địa phương xây dựng mô hình “Tổ hòa giải điểm” ở ấp 1, xã Nam Cát Tiên. Nhờ triển khai bài bản, mô hình hoạt động rất hiệu quả, đặc biệt trong năm 2023, tổ hòa giải tiếp nhận 10 vụ việc thì đều thực hiện hòa giải thành. Hiện mô hình hòa giải này đã được công nhận và nhân rộng đến tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn huyện.

Trong năm 2023, các tổ hòa giải đã tiếp nhận 89 vụ việc và đã thực hiện hòa giải thành 86/89 vụ việc (chiếm tỷ lệ 96,6%). Cán bộ ở cơ sở, hòa giải viên đều là những người có uy tín lâu năm ở địa phương và có nhiều kinh nghiệm trong công tác hòa giải. Nhờ dân vận khéo, nhiều vụ việc tranh chấp, mâu thuẫn tại địa bàn đã được hòa giải thành, hạn chế phát sinh điểm nóng, khiếu kiện vượt cấp, giúp tiết kiệm thời gian, công sức, tiền bạc của người dân.

Đến nay, trên địa bàn các xã, thị trấn của huyện hình thành 94 tổ hòa giải với 517 hòa giải viên ở cơ sở, đã góp phần giải quyết những tranh chấp, mâu thuẫn thuần túy trong nhân dân để tránh phát sinh thành những vụ án hình sự nghiêm trọng và thông qua đó nâng cao ý thức pháp luật của người dân.

Bên cạnh đó, khi còn công tác tại Phòng Tư pháp huyện Tân Phú, bà Ngọc đã tham mưu UBND huyện xây dựng các kế hoạch chuyên đề về tuyên truyền, phổ biến pháp luật, triển khai thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, theo dõi tình hình thi hành pháp luật. Triển khai tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, bổ sung kiến thức pháp luật cho lực lượng báo cáo viên, tuyên truyền viên và đội ngũ làm công tác hòa giải ở cơ sở nhằm đảm bảo yêu cầu nhiệm vụ.

Nguồn: Báo Đồng Nai

Lượt xem: 71

© 2020 - Sở Tư Pháp Tỉnh Đồng Nai

  Lượt truy cập:     272