Mỗi ngày một thông tin pháp luật

NỘI DUNG

    Quy định mới về tổ chức, hoạt động và quản lý hội

     

    Ngày 08/10/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 126/2024/NĐ-CP quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội thay thế Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21/10/2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội và Nghị định số 33/2012/NĐ-CP ngày 13/4/2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 45/2010/NĐ-CP. Nghị định 126/2024/NĐ-CP gồm 08 Chương và 53 Điều áp dụng đối với tổ chức, công dân Việt Nam có liên quan đến thành lập, tổ chức, hoạt động và quản lý nhà nước về hội. Nghị định này quy định một số điểm mới, nổi bật như:

    1. Về điều kiện thành lập hội được quy định chặt chẽ: Phải có tài sản để đảm bảo hoạt động của hội là quy định mới hoàn toàn của Nghị định 126/2024/NĐ-CP. Bên cạnh đó, các Hội muốn thành lập phải đảm bảo 06 điều kiện khác gồm: Đảm bảo các điều kiện về tên gọi; Lĩnh vực hoạt động chính không trùng lặp với lĩnh vực hoạt động chính của hội đã được thành lập hợp pháp trước đó trong cùng phạm vi hoạt động. Có tôn chỉ, mục đích, lĩnh vực hoạt động phù hợp quy định pháp luật; Có điều lệ, trừ hội có nghị quyết đại hội hoạt động trong phạm vi tỉnh, huyện, xã có cùng tên gọi, lĩnh vực hoạt động chính và là hội viên tổ chức của hội hoạt động trong phạm vi toàn quốc, thống nhất thừa nhận điều lệ của hội hoạt động trong phạm vi toàn quốc thì không cần xây dựng điều lệ riêng; Có trụ sở của hội đặt tại Việt Nam trong phạm vi hoạt động của hội và có địa chỉ cụ thể, rõ ràng; Có đủ số lượng tổ chức, công dân Việt Nam đăng ký tham gia thành lập hội (hội toàn quốc có ít nhất 100 tổ chức, công dân tại ít nhất hai đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên; hội cấp tỉnh có ít nhất 50 tổ chức, công dân tại hai đơn vị hành chính cấp huyện trở lên; hội cấp huyện có ít nhất 20 tổ chức, công dân tại hai đơn vị hành chính cấp xã trở lên và hội cấp xã có ít nhất 10 tổ chức, công dân tại đơn vị hành chính cấp xã.

    2. Về cơ sở dữ liệu về hội: được kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia và Cổng dịch vụ công của Bộ Nội vụ; cơ sở dữ liệu quốc gia khác, cơ sở dữ liệu của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Ủy ban nhân dân cấp huyện để hỗ trợ giải quyết các thủ tục về hội và quản lý hoạt động của các tổ chức hội theo phân cấp.

    3. Về các hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ: Nghị định 126/2024/NĐ-CP đã thể chế hóa quy định số 118-QĐ/TW của Ban Bí thư, không còn gọi là hội có tính chất đặc thù và đổi tên gọi là hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ.

    Theo đó, Nghị định quy định hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ hoạt động trong phạm vi toàn quốc được xác định tại Phụ lục I Nghị định 126/2024/NĐ-CP; Hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ hoạt động trong phạm vi tỉnh, huyện, xã do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định sau khi có ý kiến của cấp có thẩm quyền ở tỉnh trên cơ sở các hội đã được giao biên chế, cấp hoặc hỗ trợ về kinh phí, điều kiện hoạt động, được cấp có thẩm quyền giao nhiệm vụ thường xuyên, phù hợp với quy định của Đảng và điều kiện, yêu cầu nhiệm vụ cụ thể của địa phương.

    Đồng thời, Nghị định quy định chính sách, chế độ đối với người làm việc tại hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ, đây là quy định nổi bật của Nghị định, cụ thể như sau:

    - Người làm việc thường xuyên tại hội gồm: chủ tịch, phó chủ tịch chuyên trách; người làm việc tại đơn vị tham mưu, giúp việc trong biên chế được giao; người làm việc theo hợp đồng.

    - Chế độ tuyển dụng, sử dụng và quản lý đối với người làm việc thường xuyên tại hội:

    + Người trong độ tuổi lao động được cấp có thẩm quyền phân công, điều động đến làm việc tại hội theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền và người được tuyển dụng trong chỉ tiêu biên chế của hội theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức;

    + Người làm việc tại hội là người đã nghỉ hưu và người làm việc tại hội trong độ tuổi lao động không thuộc trường hợp quy định nêu trên thì thực hiện ký kết hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật về lao động.

    - Chế độ tiền lương, phụ cấp, chế độ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, chế độ thù lao, khen thưởng, đào tạo, bồi dưỡng và chế độ, chính sách khác:

    + Người trong độ tuổi lao động có quyết định của cơ quan có thẩm quyền phân công, điều động đến làm việc tại hội và người được tuyển dụng trong chỉ tiêu biên chế được cấp có thẩm quyền giao cho hội thì được hưởng chế độ chính sách theo quy định đối với cán bộ, công chức và thực hiện chế độ nghỉ hưu theo quy định của pháp luật;

    + Người làm việc tại hội không thuộc đối tượng là người trong độ tuổi lao động nêu trên, người đã nghỉ hưu giữ chức danh chủ tịch, phó chủ tịch chuyên trách hội, được hưởng tiền công và chế độ, chính sách khác do hội quyết định phù hợp với yêu cầu công việc và nguồn tài chính hợp pháp của hội, bảo đảm tương quan hợp lý trong nội bộ hội và theo quy định của pháp luật về lao động.

    - Đối với người đã nghỉ hưu giữ chức danh chủ tịch, phó chủ tịch chuyên trách hội được hưởng chế độ thù lao theo quy định của pháp luật.

    - Kinh phí chi trả thù lao cho các đối tượng là người đã nghỉ hưu giữ chức danh chủ tịch, phó chủ tịch chuyên trách hội được lấy từ nguồn ngân sách nhà nước hỗ trợ hàng năm cho hội.

    Nghị định 126/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 26/11/2024, mở ra khung pháp lý cụ thể và toàn diện nhằm đảm bảo sự minh bạch, hiệu quả trong hoạt động của các tổ chức hội. Đặc biệt quy định mới đã giải quyết được những vấn đề bất cập phát sinh trong thực tiễn khi thực hiện công tác quản lý nhà nước về hội, giúp công tác quản lý nhà nước về hội ngày càng hiệu quả hơn.

    Phạm Phương – Hội Luật gia tỉnh

     

    Lượt xem: 161

    © 2020 - Sở Tư Pháp Tỉnh Đồng Nai

      Lượt truy cập:     15,766