Hoạt động của các thành viên Hội đồng, các cơ quan, ban, ngành, đoàn t

Một số khó khăn, vướng mắc tại đối với công tác thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm (ATTP)

Ngày 20/05/2022 - 08:25:40

 

Thanh tra an toàn thực phẩm lần đầu tiên được ghi nhận tại Pháp lệnh vệ sinh an toàn thực phẩm năm 2003 của Việt Nam và nội dung này được tiếp tục bổ sung, sửa đổi qua các Luật về sau.

Có thể khẳng định, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam đã và đang đạt nhiều thành tựu trên nhiều lãnh vực, tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra cần giải quyết đặc biệt là kiểm soát an toàn thực phẩm.

Kể từ cuối năm 2018, khi nhận nhiệm vụ chủ trì Đoàn kiểm tra liên ngành số 4, qua quá trình thực tế triển khai công tác thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm, Sở Công Thương đã đúc kết, tổng hợp được một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai công tác thanh tra, kiểm tra.

Thứ nhất, chưa có sự thống nhất giữa các quy định tại các thông tư của từng bộ ban hành. Cụ thể, kiểm tra ATTP có phân chia trách nhiệm của  từng bộ đối với từng nhóm mặt hàng riêng biệt, mỗi bộ đều ban hành thông tư hướng dẫn thực hiện việc kiểm tra ATTP đối với hàng hóa thuộc diện kiểm tra ATTP do mình quản lý. Tuy nhiên, các thông tư được ban hành có những quy định về kiểm tra ATTP không thống nhất về phương thức kiểm tra, hồ sơ thủ tục kiểm tra, thời gian thực hiện, và các quy định có liên quan khác… không những gây khó khăn cho DN mà còn khó khăn cho cả cơ quan kiểm tra ATTP.

 

Ảnh: Đoàn kiểm tra liên ngành số 4 làm việc với UBND TP.Biên Hòa về công tác bảo đảm ATTP

Thứ hai, qua thực tiễn, khi áp dụng trong thanh tra lĩnh vực an toàn thực phẩm, một số ngành phản ánh quy định về trình tự, thủ tục hoạt động thanh tra chuyên ngành hiện nay thường chỉ phù hợp với hoạt động thanh tra hành chính, thanh tra kinh tế - xã hội, thanh tra hành chính, không phù hợp hoạt động thanh tra trong một số ngành như an toàn vệ sinh thực phẩm, môi trường, y tế... Hoạt động thanh tra của những ngành này mang tính chất thường xuyên, thanh tra, kiểm tra kịp thời, “bắt quả tang” tại chỗ đối với các cơ sở vi phạm. Ngay đối với hoạt động thanh tra theo kế hoạch của những ngành này, việc phải gửi Quyết định thanh tra đến đối tượng thanh tra trước khi đến thanh tra đã đánh động đối tượng thanh tra xóa dấu vết dẫn đến đoàn thanh tra chuyên ngành khó phát hiện thấy sai phạm. Bên cạnh đó, việc công bố quyết định thanh tra trước khi thanh tra đột xuất thường làm cho đối tượng thanh tra xóa dấu vết của các hành vi đang vi phạm trong một số lĩnh vực như lĩnh vực an toàn thực phẩm, y tế, dược phẩm,...

Thứ ba, về hệ thống cơ sở dữ liệu, chưa có cơ sở dữ liệu thống nhất về quản lý cũng như xử lý vi phạm ATTP và quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nên gây khó khăn hạn chế trong công tác nắm tình hình bảo đảm ATTP trên địa bàn toàn tỉnh.

Thứ tư, yêu cầu công tác đấu tranh, xử lý vi phạm pháp luật về ATTP là rất lớn, song tại địa phương chưa có các trung tâm kiểm nghiệm thực phẩm, nông, lâm, thủy sản phục vụ kịp thời công tác xử lý vi phạm. Do vậy, việc phát hiện, xử lý vi phạm về ATTP thời gian qua chủ yếu mới chỉ dừng lại ở việc xử lý theo quy định về thương mại, hồ sơ thủ tục mang tính định tính cao; chưa làm được rõ theo hướng kiểm nghiệm mẫu thực phẩm có đạt hay không, có tồn dư chất cấm, chất ngoài danh mục được phép sử dụng… Công tác lấy mẫu, phân tích, kiểm nghiệm đều phải trưng cầu các đơn vị chức năng ngoài ngành ảnh hưởng rất lớn đến thời hạn giải quyết các vụ việc theo quy định của pháp luật. Việc kiểm tra test nhanh được thực hiện thường xuyên, xong việc test cũng chỉ thể hiện được một số chỉ tiêu chủ yếu, một số chỉ tiêu phải gửi về Trung tâm kiểm nghiệm mới có kết quả, cần có thời gian. Hiện tại, Đồng Nai chưa có Trung tâm kiểm nghiệm thực phẩm chuyên môn.

Thứ năm, công tác tạm giữ tang vật vi phạm hành chính không có kho để bảo quản nên khó khăn trong việc bảo quản, xử lý tang vật vi phạm. Quy định về thủ tục hành chính trong công tác xử phạt, tịch thu, tiêu hủy còn nhiều, phức tạp, mất thời gian.

Thứ sáu, thiếu hụt nhân lực và cơ sở vật chất. Phần lớn người được giao thực hiện thí điểm thanh tra chuyên ngành tại cơ sở đều kiêm nhiệm. Bên cạnh đó, công chức, viên chức được giao nhiệm vụ thanh tra mới được tập huấn thời gian ngắn, kiến thức và kinh nghiệm thanh tra còn hạn chế; quy trình thanh tra chặt chẽ, phức tạp, cho nên gặp khó khăn khi thực hiện, với tâm lý sợ mắc sai lầm nên việc xử lý vi phạm hành chính về ATTP còn thiếu kiên quyết. Quy trình thanh tra theo quy định còn phức tạp.

Thứ bảy, công tác quản lý an toàn thực phẩm tại các chợ còn buông lỏng do không có nhân sự, cơ sở vật chất, trang thiết bị. Tình hình mất an toàn thực phẩm tại các chợ trên địa bàn vẫn còn phổ biến. Không đủ điều kiện vệ sinh, thực phẩm mua bán không rõ nguồn gốc, chứa chất cấm. Người buôn bán nhỏ, vốn ít, chỉ quan tâm lợi nhuận, không có kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm, ý thức an toàn cộng đồng không có, không quan tâm đến quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, ý thức chấp hành nội quy của ban quản lý chợ kém. Đặc biệt, không thể xử lý vi phạm đối với đối tượng này.

Về phía doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, do lợi nhuận về kinh tế, nhiều đối tượng đã bất chấp pháp luật, đạo đức, sử dụng thủ đoạn tinh vi để đối phó với cơ quan chức năng và lừa dối người tiêu dùng nhằm thu lợi bất chính. Bên cạnh đó, mặc dù hệ thống các văn bản pháp luật về ATTP đã có nhiều thay đổi, góp phần làm giảm các vi phạm, tuy nhiên vẫn còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu công tác phòng, chống vi phạm pháp luật.

Hiện nay, các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ nhiều, thường xuyên có sự biến động, trong khi Nghị định số 15/2018/NĐ ngày 2/8/2018 của Chính phủ quy định các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ không phải cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP, trong khi đó, các quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ chưa rõ ràng, thống nhất giữa các ngành nên gây khó khăn trong công tác quản lý, xử lý vi phạm.

Cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, sản xuất, kinh doanh tính thời vụ, doanh số thu hằng ngày rất thấp, Các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm như bún, phở, bánh các loại,… trên địa bàn tỉnh chủ yếu sản xuất ở quy mô nhỏ, lẻ, hộ gia đình rất khó kiểm soát, chủ cơ sở ít quan tâm đến quy định pháp luật, khi bị kiểm tra, xử lý thì không hợp tác, tìm mọi cách tránh né, thậm chí đóng cửa, không tiếp đoàn kiểm tra, không chấp hành quyết định xử phạt.

Từ những khó khăn tồn tại trên, chúng ta có thể đưa ra một số giải pháp như sau:

Một là, quy định thủ tục cụ thể đối với từng loại hình hoạt động thanh tra chuyên ngành, ví dụ như thủ tục thanh tra khi tiến hành thanh tra theo Đoàn; thủ tục thanh tra khi người được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành tiến hành thanh tra độc lập; thủ tục thanh tra khi tiến hành thanh tra thường xuyên; thủ tục thanh tra khi tiến hành thanh tra đột xuất... Ban hành hướng dẫn thực hiện việc thanh tra, kiểm tra ATTP; quy trình, thủ tục tiến hành công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành ATTP và các biểu mẫu thống nhất để áp dụng khi thực hiện. Tiến hành thí điểm hình thức thanh tra độc lập, chú trọng ở cấp cơ sở. Có các quy định đồng bộ về thanh tra viên, công chức thanh tra chuyên ngành, số lượng biên chế,...  để tăng cường nhân sự có chất lượng cho ngành thanh tra.

Hai là, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu thống nhất về quản lý, xử lý vi phạm ATTP và quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Thành lập trung tâm kiểm nghiệm thực phẩm cho cả 3 ngành: nông nghiệp, y tế, công thương, trong đó, có kho bảo quản thực phẩm tang vật vi phạm;

Ba là, tiếp tục tổ chức đào tạo, bổ sung, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng cho lực lượng thanh tra chuyên ngành. Cần bố trí nhân sự chuyên trách, tập trung cho nhiệm vụ thanh, kiểm tra an toàn thực phẩm. Có chế độ, chính sách động viên, khen thưởng để nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ.

Bốn là, tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng, nâng cao nhận thức, kiến thức về thực phẩm và sự ảnh hưởng của thực phẩm đối với sức khỏe, nâng cao ý thức xem trọng và chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm. Việc tuyên truyền cần phải thực tế, hiệu quả, không được hình thức, sáo rỗng, phải gần gũi, dễ hiểu để người dân mọi tầng lớp có thể nhận thức và hiểu rõ. Đây là giải pháp then chốt nhất để khắc phục một số khó khăn, vướng mắc tại đối với công tác thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm./.

Lượt xem: 673

© 2020 - Sở Tư Pháp Tỉnh Đồng Nai

  Lượt truy cập:     7,752