Tin tức - Sự kiện

Trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc giảm nhẹ khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu

Ngày 03/02/2023 - 12:01:32

Tại COP26 năm 2021, Việt Nam đã đưa ra cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 (net zero) vào năm 2050. Đây là một quyết định thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam về phát triển bền vững, nhưng cũng là một thách thức, đòi hỏi phải có những biện pháp quyết liệt, hiệu quả, sự đồng lòng của tất cả các bên liên quan. Bởi để đạt được mục tiêu net zero cần chuyển đổi nền kinh tế đang phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch hiện nay, sang một nền kinh tế không phát thải…, trong khi thời gian thật sự không còn nhiều.

Xu hướng tiến đến mục tiêu ngăn ngừa, giảm nhẹ và thích ứng với vấn đề toàn cầu này là không thể tránh khỏi. Chính phủ các nước cũng như khách hàng (nhãn hàng, người tiêu dùng) đã và đang đặt ra các yêu cầu ngày càng nghiêm ngặt hơn về sản xuất và tiêu dùng bền vững, bao gồm khía cạnh hiệu quả năng lượng và cắt giảm phát thải KNK.

Do đó, để thích ứng với tình hình hiện nay, các doanh nghiệp phải có khả năng nắm bắt và quản lý rủi ro liên quan đến hoạt động phát thải KNK của mình để đảm bảo thành công lâu dài trong môi trường kinh doanh cạnh tranh, đồng thời để chuẩn bị tốt cho việc đáp ứng các chính sách khí hậu của các nhãn hàng quốc tế, quốc gia hoặc khu vực.

Các tổ chức có tư duy tiến bộ đã bắt đầu tự nguyện kiểm kê KNK và tuyên bố kết quả phát thải KNK với mục đích như quản lý rủi ro, giảm chi phí, bảo vệ thương hiệu và thu hút nguồn vốn đầu tư có trách nhiệm với xã hội.

Tại sao nên thực hiện kiểm kê khí nhà kính?

http://enerteam.org/wp-content/uploads/2021/04/loi-ich-Kiem-Ke-KNK.png

Một số lợi ích của việc thực hiện kiểm kê khí nhà kính 

Chi tiết của từng lợi ích từ hoạt động Kiểm kê KNK vừa trên được liệt kê cụ thể như sau:

http://enerteam.org/wp-content/uploads/2021/04/Picture2.png

 

 

 

 

 

 

 

Phát thải nhiều phải trả tiền

Tại Khoản 1 Điều 6 Nghị định 06/2022/NĐ-CP quy định, đối tượng phải thực hiện kiểm kê KNK là cơ sở có mức phát thải KNK hằng năm từ 3.000 tấn CO2 tương đương trở lên hoặc thuộc một trong các trường hợp: Nhà máy nhiệt điện, cơ sở sản xuất công nghiệp có tổng lượng tiêu thụ năng lượng hằng năm từ 1.000 tấn dầu tương đương (TOE) trở lên; Công ty kinh doanh vận tải hàng hóa có tổng tiêu thụ nhiên liệu hằng năm từ 1.000 TOE trở lên; Tòa nhà thương mại có tổng tiêu thụ năng lượng hằng năm từ 1.000 TOE trở lên; Cơ sở xử lý chất thải rắn có công suất hoạt động hằng năm từ 65.000 tấn trở lên.

Dựa trên các tiêu chí này, ngày 18/01/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải KNK phải thực hiện kiểm kê KNK tại Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg; theo đó tỉnh Đồng Nai có 157 cơ sở phát thải KNK phải thực hiện kiểm kê. Thực hiện Luật Bảo vệ môi trường, cơ sở có lượng phát thải lớn sẽ phải cung cấp số liệu hoạt động, thông tin liên quan phục vụ kiểm kê khí nhà kính theo hướng dẫn của Bộ quản lý lĩnh vực trước ngày 31/3, kể từ năm 2023. Từ năm 2024 trở đi, doanh nghiệp sẽ tổ chức thực hiện kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở, xây dựng báo cáo kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở định kỳ hai năm một lần, gửi UBND cấp tỉnh để thẩm định; Báo cáo kết quả kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở, gửi Bộ TN&MT từ năm 2025. Cơ sở cũng cần xây dựng kế hoạch giảm nhẹ phát thải KNK giai đoạn 2026 – 2030. Quá trình thực hiện kiểm kê KNK tại cơ sở phải được thực hiện bởi đơn vị, cơ quan, tổ chức có năng lực thực hiện theo các yêu cầu tại Nghị định 06/2022/NĐ-CP, đồng thời các hoạt động để đo đạc, báo cáo và thẩm định (MRV) kết quả giảm nhẹ phát thải KNK cũng phải được thực hiện theo quy định của cơ quan có thẩm quyền ban hành.

Căn cứ kết quả kiểm kê KNK của quốc gia, của các lĩnh vực và của chính các cơ sở, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ quản lý lĩnh vực liên quan xây dựng, ban hành định mức phát thải KNK trên đơn vị sản phẩm đối với các loại hình cơ sở sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, tổ chức phân bổ hạn ngạch phát thải KNK cho các cơ sở cho giai đoạn 2026 - 2030 và hằng năm.

 

Bảo vệ môi trường không khí

Theo quy định, cứ hai năm một lần, Thủ tướng Chính phủ sẽ ra quyết định điều chỉnh, cập nhật danh mục cơ sở phải thực hiện kiểm kê. Điều này đồng nghĩa với việc các cơ sở sẽ sớm ra khỏi danh mục này nếu đẩy mạnh triển khai các giải pháp giảm phát thải KNK. Nếu không dùng hết hạn ngạch, các cơ sở có thể bán cho các cơ sở khác có nhu cầu hoặc tự nguyện nộp trả lại cho Nhà nước, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nhẹ phát thải KNK của quốc gia.

 

Với cơ sở phát thải vượt quá hạn ngạch, có thể áp dụng các hình thức đấu giá, chuyển giao, vay mượn, sử dụng tín chỉ các-bon để bù trừ thông qua sàn giao dịch tín chỉ các-bon trong nước (sẽ vận hành thí điểm từ năm 2025). Nếu vẫn không đủ, cơ sở sẽ phải nộp tiền thanh toán cho lượng phát thải khí nhà kính vượt quá, đồng thời, khấu trừ vào vào hạn ngạch phân bổ cho giai đoạn cam kết sau đó. Về mức tiền phải nộp với mỗi tấn CO2 tương đương vượt ngưỡng, sẽ có quy định cụ thể khi vận hành sàn giao dịch.

Căn cứ Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 07/01/2022 của Chính phủ; ngày 10/10/2022, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ký Quyết định số 2626/QĐ-BTNMT về công bố danh mục hệ số phát thải phục vụ kiểm kê khí nhà kính, bao gồm: Danh mục hệ số phát thải phục vụ kiểm kê KNK lĩnh vực năng lượng tại Phụ lục I; Danh mục hệ số phát thải phục vụ kiểm kê KNK lĩnh vực các quá trình công nghiệp và sử dụng đất tại Phụ lục II; Danh mục hệ số phát thải phục vụ kiểm kê KNK lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và sử dụng đất tại Phụ lục III; Danh mục hệ số phát thải phục vụ kiểm kê KNK lĩnh vực chất thải tại Phụ lục IV.

Do đó, nhiệm vụ quan trọng nhất của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hiện nay là tiến hành quản lý và kiểm soát khí thải gây ô nhiễm ngay tại nguồn phát sinh, kiểm kê khí thải, đầu tư cho công nghệ xử lý khí thải phù hợp nhất./.

Phạm  Thị Hồng Yến - Sở Tài nguyên và Môi trường 

Lượt xem: 350

© 2020 - Sở Tư Pháp Tỉnh Đồng Nai

  Lượt truy cập:     82,066